Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo tóm tắt về “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Theo đó, nhìn lại những thành tựu qua 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực, các phong trào và cuộc vận động đạt được nhiều kết quả rõ nét. Cùng với đó, việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ… Từ những kết quả đó, trong báo cáo cũng đề ra định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, trong đó nhấn mạnh vào 9 nhóm giải pháp trọng tâm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị là dịp quan trọng, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong cả nước, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn sau Hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Tổng Bí thư tin tưởng với một đất nước, dân tộc trọng hiền tài, trọng văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, Nhân dân đoàn kết, cần cù sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thành sức mạnh để xây dựng Tổ quốc ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Để làm được điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, nhấn mạnh những thành tựu, chỉ ra tồn tại, hạn chế trong xây dựng và phát triển văn hóa thời gian qua; đồng thời, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn