Chiều ngày 18/9, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên do đồng chí Giàng Thị Hoa- UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Tuần Giáo. Tiếp và làm việc với Đoàn, có đồng chí Lê Xuân Cảnh- Bí thư Huyện uỷ; Đồng chí Hà Cầm Hồng- Phó BT, Chủ tịch UBND huyện; Các đồng chí UVBTV Huyện uỷ; Lãnh đạo UBND huyện; Đại diện lãnh đạo các Ban HĐND huyện; Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hà Cầm Hồng- Phó BT, Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Theo đó, các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Đến nay toàn huyện có 12 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Có 6 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, bình quân số tiêu chí/xã đạt 15,4 tiêu chí. Có 06 xã được UBND tỉnh công nhận xã cơ bản đạt chuẩn NTM (Quài Cang, Quài Nưa, Nà Sáy, Mường Thín, Mùn Chung, Chiềng Sinh) và 01 xã Quài Tở đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2023. Duy trì 05 bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 (Sái Trong xã Quài Cang; bản Xóm Chợ xã Mùn Chung; bản Ta, Tân lập xã Quài Tở; bản Rạng Đông xã Rạng Đông); 05 bản công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 (bản Minh Thắng - xã Quài Nưa; bản Pom Ban, Lé Xôm, Chấng, Băng Sản - xã Quài Tở); 08 bản đạt chuẩn NTM năm 2023 (Bản Món, Én Pậu, Hới Nọ, Hới Trong, Lói, Ngúa, Lạ, Có). Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế vùng miền; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn. Tích cực chỉ đạo các xã rà soát các sản phẩm đặc sản, chủ lực để xây dựng sản phẩm OCOP; tổ chức hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm OCOP đăng ký hàng năm. Đến nay, toàn huyện có 5 sản phẩm 3 sao: Dưa mèo, Táo mèo sấy lạnh, Giấm Táo mèo, Thảo quả, Mắc ca; 02 sản phẩm đạt 4 sao: “Cà phê Hồng Kỳ 10”, sản phẩm “Cà phê Hồng Kỳ 13”; các sản phẩm OCOP được tiêu thụ khá rộng rãi ở thị trường trong và ngoài huyện.
Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững: Đại đa số các dự án, tiểu dự án của Chương trình đã triển khai thực hiện có kết quả và đã giải ngân. Kết quả thực hiện các mục tiêu: Huyện đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; tích cực thực hiện và chỉ đạo các xã hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; trong đó tập trung ưu tiên vào: đường giao thông, công trình nước sinh hoạt,… Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm có hiệu quả cho người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thực hiện: Việc bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo đã được UBND huyện quan tâm, lãnh, chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Cơ bản đảm bảo nguồn lực cả về con người, điều kiện vật chất, nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Về tiến độ thực hiện: Các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình đã được các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Nhiều Tiểu dự án có tiến độ giải ngân nhanh, theo sát tiến độ thực hiện các nội dung hoạt động của Tiểu dự án.
Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Trong giai đoạn 2021-2024, huyện Tuần Giáo đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của cấp trên, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; bước đầu góp phần quan trọng trong thực hiện một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã tạo những chuyển biến rõ nét trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Từ nguồn vốn của Chương trình đã Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phát triển cây Mắc ca. Định hướng phát triển cây Cà phê, cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện có trên 5.000 ha Cà phê. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được tăng cường; văn hóa, giáo dục và y tế có bước phát triển mạnh; diện mạo nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 49,73% (năm 2021) xuống còn 33,59% (cuối năm 2023); Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên; nhân dân các dân tộc trong huyện tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận những tồn tại hạn chế nguyên nhân và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, huyện Tuần Giáo cũng đưa ra đề xuất kiến nghị với Đoàn giám sát về các vấn đề sau: Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh tiếp tục bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp tục đầu tư và tạo điều kiện cho các xã thuộc huyện tiếp cận nhiều nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng NTM nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch tỉnh giao cho huyện. Đề nghị, sớm giao mục tiêu, nhiệm vụ và bổ sung kinh phí cho huyện để thực hiện tốt Nghị quyết 193/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Điện Biên về việc lựa chọn huyện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Điện Biên.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Giàng Thị Hoa- UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả huyện Tuần Giáo đạt được trong thực hiện các chương trình MTQG thời gian qua. Đồng thời, đồng chí đề nghị huyện Tuần Giáo tập trung thực hiện tốt các chương trình MTQG, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra giám sát đối với các chương trình này; Tiếp tục giao cho các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về trồng chăm sóc cây Mắc ca, cây Cà phê và sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch; Quyết tâm thực sử dụng hiệu quả kịp thời nguồn vốn; Đồng chí tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Tuần Giáo sẽ thực hiện thành công các chương trình MTQG và đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025.
Trước đó, Đoàn giám sát đã đến kiểm tra thực địa một số xã trên địa bàn huyện gồm: Điểm sụt trượt tại xã Nà Tòng; Điểm trồng cây Mắc ca bản Ta Pao bên kia suối thuộc xã Mường Mùn; Thăm khu vực nguy cơ lũ quét bản Háng Khúa xã Phình Sáng; Công trình Trường PTDTBT TH Bình Minh, xã Chiềng Đông; Đường liên xã Nà Sáy- Mường Khong và đường giao thông bản Cuông, bản Giăng xã Quài Cang./.
T/h: Ngọc Bích- Phạm Tuấn- Lâm Huyền
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo