Những người thầm lặng "vá rừng"

Thứ ba - 09/06/2020 16:17
“Rừng là lá phổi xanh của trái đất”, ai cũng biết câu nói đó. Nhưng không phải ai cũng hiểu và biết mình phải làm gì, nên làm gì để có trách nhiệm với rừng. Cũng bởi vậy, nên ở nhiều nơi, con người đã tự hủy hoại đi “lá phổi” của mình. Đứng trước nguy cơ dần mất rừng, và những hệ lụy tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, nhiều năm qua, các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể xã hội từ trung ương đến địa phương đã dành không ít tâm huyết, nỗ lực để kêu gọi và hành động vì rừng. Trong hàng nghìn con người, việc làm hưởng ứng lời kêu gọi, chúng tôi xin được kể về những tình nguyện viên với cách làm hết sức đặc biệt, thầm lặng “vá rừng” như một cách trả nợ.
Chị Vũ Thúy Phương - Trưởng nhóm Trái tim xanh - Chương trình Nhân rộng màu xanh núi rừng trao cây cho bà Vũ Thị Hòe bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo
Chị Vũ Thúy Phương - Trưởng nhóm Trái tim xanh - Chương trình Nhân rộng màu xanh núi rừng trao cây cho bà Vũ Thị Hòe bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo

Thành lập tháng 4/2018, nhóm từ thiện “Nhân rộng màu xanh núi rừng” bao gồm các thành viên là cán bộ công chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc có chung chí hướng trồng rừng. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, nhóm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước (Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Bắc Giang, Hòa Bình, Đắk Lắk …), với hệ thống cộng tác viên rộng khắp, hàng nghìn héc ta đồi, núi trọc đã bắt đầu được phủ xanh. Riêng tại tỉnh Điện Biên, nhóm đã tổ chức, hỗ trợ các hoạt động trồng rừng tại nhiều địa phương, như: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Tủa Chùa…, với tổng diện tích cây phân tán đạt gần 2.000ha.

Nhóm thiện nguyện mà chúng tôi nhắc đến, có cái tên vô cùng ý nghĩa: “Nhân rộng màu xanh núi rừng”. Cơ duyên giúp chúng tôi gặp được nhóm, là từ một chương trình trao tặng cây giống trồng rừng cho người dân nghèo xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) cách đây 2 năm. Có lẽ câu nói “của cho không bằng cách cho” đã đúng trong trường hợp này. Trồng rừng vốn không phải việc dễ. Và thực tế là ở tỉnh Điện Biên, nhiều năm liền đã “vỡ” kế hoạch trồng rừng. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc thiếu vốn, nên niềm tin của người dân với các chương trình trồng rừng cũng “vơi dần”. Vậy thì một nhóm từ thiện, họ có thể làm gì, và bằng cách nào để vượt qua những rào cản ấy? “Không phải cái gì cho đi, người ta cũng đều sẵn sàng nhận”, chương trình trao cây giống đầu tiên mà nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" lên kế hoạch ở một số xã của huyện Tuần Giáo là ví dụ điển hình. Ngay khi đặt vấn đề, hầu hết chính quyền địa phương đều từ chối, với lý do một vài chương trình trồng rừng trước đó chưa thanh toán được tiền công nên họ mất niềm tin với dân. Còn người dân, đa phần cũng không mặn mà.

Mở được “cánh cửa” đầu tiên tại xã Quài Cang, nhóm bắt đầu nhân rộng ra nhiều địa bàn khác trong huyện, trong tỉnh, với hàng trăm hộ dân hưởng ứng và hàng vạn cây giống được trao ở mỗi chương trình. Từ thổ nhưỡng, khí hậu, đến nhu cầu của người dân. Nhóm cũng tính toán, sao cho mỗi héc ta rừng sẽ trồng xen canh cả cây ngắn ngày và dài ngày, như: dổi hạt, sa mộc, xà cừ, bạch đàn, keo, sưa đỏ, lim xanh, hạt dẻ... Cây dài ngày hướng đến mục đích lâu dài là giữ lấy rừng, còn cây ngắn ngày là để bà con có nguồn thu trước mắt, trong ngắn hạn, từ đó có cơ sở để xóa đói giảm nghèo thì bà con mới yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng.

Bên cạnh việc cung cấp cây giống miễn phí, nhóm cũng tích cực xây dựng hệ thống cộng tác viên trách nhiệm ở cộng đồng; kết nối với cán bộ kỹ thuật ở một số trung tâm giống để tiếp tục đồng hành với người dân, hướng dẫn họ cách chăm sóc cây, thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển của cây, từ đó đưa ra hướng hỗ trợ mang lại kết quả kinh tế cao nhất. Chính bởi vậy, thành công mà nhóm luôn tự hào đó là tỷ lệ cây sống sau trồng rừng luôn đạt từ 70 - 85%.

Để có nguồn kinh phí cho các chương trình trao cây giống, nhóm đã vận dụng sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức xã hội từ thiện từ các nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Những thông điệp đầy ý nghĩa, như: “Trồng một cây xanh là gieo một mầm phúc”; “Chỗ nào đất trống chúng ta ươm cây, chỗ nào đồi trọc chúng ta trồng rừng”; “Hãy cho tôi một hạt mầm, tôi sẽ cho bạn một rừng cây”; “Ở đâu có đồi trọc, ở đó có chúng tôi”… được truyền tải, chia sẻ rộng rãi thông qua bạn bè, người quen trong nước, thậm chí cả quốc tế, đã nhanh chóng nhận về sự hưởng ứng nhiệt tình. “Năng nhặt chặt bị”, họ tiếp nhận tất cả các khoản hỗ trợ, từ tiền mặt cho tới các sản phẩm có thể bán lấy tiền, hạt giống… Ngoài ra, nhiều thành viên trong nhóm cũng tự gây quỹ bằng cách kinh doanh các sản phẩm đặc sản, để lấy lãi dành mua giống cây.

Những câu hỏi, hoài nghi ban đầu của chính quyền, và mỗi người dân ở những địa phương mà nhóm có mặt đã dần được minh chứng, không phải bằng những câu trả lời sáo rỗng, mà đó là những “hành động” thiết thực, cụ thể. Chúng ta có được cuộc sống bình yên, có bầu không khí trong lành để thở mỗi ngày, một phần đó là nhờ rừng. Chính vì thế mỗi chúng ta đều “nợ” rừng. Và mỗi một người tham gia ủng hộ việc làm của nhóm đều hiểu được điều đó. Họ hiểu giá trị của mỗi hành động hay vật chất mà họ trao đi là để “trả nợ” cho rừng.

          Bà Vũ Thị Hòe ở bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo là một trong những hộ được nhận cây từ Nhóm nhân rộng màu xanh núi rừng cho biết: Trước đây gia đình bà thường bỏ hoang diện tích 5,1ha đất rừng, được các cấp chính quyền xã, bản tuyên truyền vận động bà đã tích cực trồng cây, phủ xanh đồi trọc của gia đình. Năm 2018, gia đình bà được Nhóm nhân rộng màu xanh núi rừng trao tặng 2.000 cây mỡ, cây xoan đào, nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng không chỉ phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà gia đình bà có thêm thu nhập từ rừng, nên năm 2019 khi biết Nhóm nhân rộng màu xanh núi rừng tiếp tục trao cây cho bà, gia đình tiếp tục đăng ký nhận 4.000 cây về trồng và mới đây gia đình bà lại tiếp tục đăng ký nhận cây về trồng để phủ xanh toàn bộ diện tích đất đang được gia đình quản lý. Hiện cây trồng của gia đình bà sinh trưởng và phát triển tốt.

Trong đợt 1 năm 2020, Nhóm nhân rộng màu xanh núi rừng đã hỗ trợ cho 21 hộ gia đình ở xã Chiềng Sinh trên 18.500 cây; xã Pú Nhung 56.000 cây cho 87 hộ gia đình; xã Quài cang 78.400 cây cho 131 hộ và 10 hộ tại xã Quài Nưa với 12.500 cây. Bao gồm các loại cây như: cây bồ hòn, cây mỡ, cây sưa đỏ, cây dổi, cây thông, cây sa mộc và một số cây ăn quả. Qua đó, giúp bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống kém hiệu quả sang phương thức sản xuất mới là thâm canh tăng năng suất từ trồng rừng, từ đó cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập.

Có lẽ đó chính là lý do trong suốt quá trình đồng hành với người dân điều mà nhóm “Nhân rộng màu xanh núi rừng” đạt được không chỉ là màu xanh đang dần phủ kín trên những mảng đồi trọc, mà hơn thế nữa, họ đã truyền đi được thông điệp làm thay đổi nhận thức, ý thức của mỗi người dân đối với rừng. Bằng việc đầu tiên là “gieo” ý thức, sau đó không lâu họ đã và đang “gặt” về những hành động đầy ý nghĩa và thiết thực. Đó là họ đã kết nối được đông đảo cộng tác viên đầy trách nhiệm ở các cơ sở, như anh Lò Văn Chính, anh Nguyễn Khang Dũng, bà Nguyễn Thị Thắm… Mỗi cá nhân lại tự gây dựng cho mình một chương trình, hoạt động sáng tạo khác nhau ở nơi mình sống, như: Mô hình vườn ươm cây giống, Chương trình nhặt hạt, gửi hạt vào đất… Để từ đây, tiếp tục nhân lên những hành động ý nghĩa, lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng, thúc giục mọi người cùng vào cuộc chung tay “vá rừng”./.

 

T/h: Lường Phượng

Trung tâm Văn Hóa - TT - TH huyện Tuần Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây