Nạn nhân là chị Giàng Thị N, trú tại bản Hát Khoang, xã Pú Xi của huyện Tuần Giáo. Người thân nạn nhân cho biết, cách đây khoảng hơn 2 tháng chị N bị con chó của gia đình nuôi cắn vào bắp đùi chân trái, sau khi bị cắn, chị N đã có rửa vết thương bằng xà phòng và được cán bộ UBND xã Pú Xi tư vấn đi tiêm nhưng chị N không đi tiêm phòng dại, Sau khi con chó cắn chị N được khoảng 1 tuần thì gia đình đập chết con chó.
Trong hơn 2 tháng sau đó, chị N làm việc và sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe. Đến ngày 12/4/2023, chị N thấy đau mỏi lưng, đi lại vận động khó khăn, đến ngày 14/4/2023, gia đình đưa chị N vào Bệnh viện huyện Tủa Chùa để khám và điều trị. Đến khoảng 21 giờ ngày 14/4/2023, chị N được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây các Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân này bị bệnh dại, đến ngày 16/4/2023 chị N tử vong tại nhà ở bản Hát Khoang, xã Pú Xi.
Được biết, cách đây khoảng hơn 3 tháng, vào ngày ngày 6/1, trên địa bàn bản Pú Xi 2, xã Pú Xi Có 9 người cùng bị 1 con chó cắn cùng 1 ngày, Những người này bị 2 con chó tại bản cắn. Trong đó, 1 con đã chết, 1 con ngay sau đó được xác định mắc bệnh dại. Ngoài 9 người trên, tại địa bàn sau đó có có 1 người dân khác tiếp tục bị chó cắn. Con chó này tự chết không rõ nguyên nhân. Sau khi nhận thông tin, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Trạm Y tế xã Pú Xi đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giảng giải, đưa 10 người dân tại bản Pú Xi 2 đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại. Trong 10 người trên có 8 trẻ em, trẻ nhỏ nhất sinh năm 2021. Hiện, sức khoẻ của những người này đều bình thường, đã trở về nhà. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục được lực lượng y tế và địa phương theo dõi sát sao, vận động tiêm tiếp các mũi nhắc lại 2, 3, 4 đúng thời gian theo bệnh án.
Nguyên nhân nhiều người bị chó, mèo cắn là do tình trạng nuôi chó mèo thả rông, tự do hiện nay diễn ra rất phổ biến ở tất cả các thôn bản, khu phố trên địa bàn toàn huyện Tuần Giáo. Bên cạnh đó, ý thức trong công tác tiêm phòng dại chó, mèo của một số người dân chưa cao.
Theo các chuyên gia y tế cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật chủ yếu là chó, mèo sang người qua vết cắn, vết liếm trên da làm niêm mạc bị tổn thương. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm phòng vaccine dại càng sớm càng tốt. Khi vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển dọc theo dây thần kinh tới tủy sống rồi tới não bộ, do đó vết cắn càng gần não thì thời gian phát bệnh càng nhanh. Vết thương nặng, càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Cụ thể hơn, nếu bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi và bộ phận sinh dục sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách virus xâm nhập vào mô thần kinh ngắn. Do đó, bệnh càng nguy cấp hơn.
Cũng theo các chuyên gia y tế , ngay sau khi bị chó mèo hay động vật hoang dã cắn, cần phải rửa ngay vết thương với xà phòng. Sau đó, sử dụng cồn 70% để khử trùng sát khuẩn. Gia đình nên rửa vết thương cho người bị chó, mèo cắn dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút để sát trùng vết thương. Những thao tác xử lý vết thương thực hiện sớm sẽ có tác dụng sát khuẩn phòng virus dại hiệu quả.
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vaccine ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian. Vì hiện nay, vẫn còn nhiều người cho rằng tiêm vaccine phòng dại độc hại cho sức khỏe, nhưng đó là những quan điểm sai lầm vì vaccine dại cũng là vaccine phòng bệnh như các loại vaccine khác, tính an toàn được Tổ chức Y tế thế giới công nhận.
Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm ngừa bệnh dại. Tùy thuộc vào vết thương của người bị cắn cũng như tình trạng của vật cắn, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng các mũi tiêm. Người dân không nên chủ quan và tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra./.
Tin hình PV: Lường Phượng
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo