Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích cây mắc ca, cà phê đã triển khai trồng trong năm 2023, 2024 và bàn giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2025 trên địa bàn huyện. Chiều ngày 29/8, UBND huyện Tuần Giáo tổ chức hội nghị trực tiếp và được trực tuyến đến 18/18 xã về quán triệt, triển khai công tác nâng cao hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Dự và đồng chủ trì tại điểm cầu huyện có đồng chí Lê Xuân Cảnh – Bí thư Huyện ủy; đồng chí Hà Cầm Hồng – PBT, Chủ tịch UBND huyện. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện có đồng chí Trần Bình Trọng – UVBTV - PCT HĐND huyện; Đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Đại diện Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; VH – TT; Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Trung tâm VH – TT – TH; Hạt Kiểm lâm huyện; Ban Quản lý rừng phòng hộ; Bí thư, Chủ tịch UBND 18/18 xã.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu các xã gồm có Lãnh đạo UBND xã - Chủ trì điểm cầu tại xã; Đại diện Lãnh đạo các Đoàn thể, cán bộ, công chức; hiệu trưởng các đơn vị trường học; Bí thư, Trưởng các bản, Trưởng Ban công tác mặt trận các bản; Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng Mắc ca tại các xã.
Tại hội nghị, các đơn vị báo cáo cụ thể tình hình chăm sóc, bảo vệ cây mắc ca tại địa phương.
Theo đó, trong 02 năm liên tiếp, Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Tuần Giáo, năm 2023, toàn huyện đã thực hiên 32 dự án trồng mới được gần 948 ha cây mắc ca, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Đây là kết quả vô cùng phấn khởi, mở ra hướng đi mới, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho nhân dân. Phát huy kết quả đó, năm 2024 đã có 79 dự án được thực hiện với gần 5.500 hộ gia đình tham gia trồng mới cây mắc ca. Nâng tổng số hộ tham gia trồng cây mắc ca trên địa bàn lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp, nâng tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện lên gần 6.000ha và đưa Tuần Giáo trở thành huyện có diện tích cây mắc ca lớn nhất cả nước. Định hướng năm 2025, huyện tiếp tục giành mọi nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục mở rộng diện tích cây Mắc ca từ 2000 – 3000 ha.
Qua thực tế kiểm tra đánh giá, tình hình sinh trưởng, phát triển và chăm sóc, bảo vệ cây mắc ca: đa số cây Mắc ca sinh trưởng phát triển tốt, tuy nhiên do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nắng mưa thất thường, nhiều khu vực lượng mưa lớn, một số vườn cây bị ngập úng cục bộ, các loại sâu, bệnh gây hại trên cây Mắc ca đã xuất hiện; công tác chăm sóc một số vườn cây của người dân chưa được thường xuyên dẫn đến một số vườn cây bị vàng lá, nghẹt rễ, không đâm chồi, nảy lộc, có nguy cơ bị chết; một số vườn cây người dân không tiến hành rào bảo vệ; cá biệt một số vườn cây sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình chăm sóc...
Đối với cây cà phê trồng năm 2024: Quy mô diện tích trồng là 123 ha với số cây là 430.000 cây được thực hiện tại các xã: Tênh Phông, Nà Sáy, Pú Xi, Phình Sáng, Quài Tở. Đến nay cây cà phê đã trồng xong đạt 100%, đa số cây cà phê được trồng thời gian có mưa đây là điều kiện thuận lợi để cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, một số diện tích trồng cây cà phê đã xuất hiện đối tượng dế mèn gây hại với mức độ nhẹ.
Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp trong quá trình chăm sóc, bảo vệ cây mắc ca, cây cà phê; đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp từng địa phương đơn vị, đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu nhất trong quá trình thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Xuân Cảnh – Bí thư Huyện ủy nêu lên những tồn tại như: Công tác chỉ đạo, quản lý của một số xã chưa chủ động, chưa sát sao, quyết liệt, trách nhiệm, tâm huyết; báo cáo tiến độ thực hiện kết quả còn sơ sài, không đi vào tình hình thực tế tại địa phương; một số xã phong trào chăm sóc cây đang có dấu hiệu “nguội” dần.
Để khắc phục những tồn tại trên các đồng chí chủ trì đề nghị: Cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quyết tâm giữ lửa, giữ vững phong trào đã tạo dựng được; Lãnh đạo các xã cần thường xuyên xuống cơ sở, kiểm tra thực tế từng vườn cây nắm để nắm bắt được tình hình sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca; trong quá trình thực hiện cần triển khai làm quyết liệt mọi sự chỉ đạo từ cấp huyện, làm có trách nhiệm, có tâm huyết; đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, nhất là các đồng chí tổ trưởng, tổ hợp tác cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa tiếp tục nỗ lực cố gắng vì nhân dân. UBND các xã trước mắt tiếp tục đôn đốc, sát sao, quyết liệt và tổ chức triển khai làm cỏ xới gốc bón phân, tủ gốc, làm cọc chống cây, rào chắn bảo vệ vườn trồng cây Mắc ca, đó là điều kiện quan trọng để bảo vệ được thành quả, công sức của nhân dân bỏ ra trong thời gian qua.
Tiếp tục quan tâm tuyên truyền vận động nhân dân tin vào chủ trương đúng đắn của huyện và đặc biệt là không thờ ơ, trông chờ, ỉ lại vào thời tiết và khí hậu và thiên nhiên; tuyên truyền để mỗi hộ dân và tổ hợp tác thấy được đây là tài sản của chính mình, là người được hưởng lợi từ cây mắc ca sau này. Cần thường xuyên theo dõi, chăm sóc, bảo vệ toàn bộ số lượng cây đã trồng; Cần tuân thủ quy trình kỹ thuật trung tâm dịch vụ nông nghiệp triển khai. Phối hợp chặt chẽ đến các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ khâu chăm sóc bảo vệ, tiếp nhận phân bón, bón phân theo đúng liều lượng. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc cần quan tâm tạo tán tỉa cành cho cây năm 2.
Thường xuyên tổ chức xuống kiểm tra thực tế để nắm bắt được thực trạng của vườn cây, từ đó để có giải pháp khắc phục từ sự trao đổi về mặt kỹ thuật với phòng ban chuyên môn của huyện, nắm bắt kịp thời những vướng mắc báo cáo để các đồng chí lãnh đạo huyện có định hướng chỉ đạo hỗ trợ kỹ thuật.
Đồng thời, các đồng chí mong muốn trong thời gian tới Ngành giáo dục huyện tiếp tục đồng hành cùng huyện trong việc triển khai, thực hiện trồng và chăm sóc cây mắc ca. Chỉ đạo và tuyên truyền về mặt kỹ thuật cho các đồng chí lãnh đạo Ban giám hiệu các trường và giáo viên được phân công phối kết hợp thật tốt với UBND xã trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra giám sát và hỗ trợ người dân trong việc trồng chăm saoc cây mắc ca.
Đối với các cơ quan chuyên môn cần kịp thời đưa ra các những khuyến cáo, giải pháp trong quá trình chăm sóc theo từng thời điểm nào và có văn bản đôn đốc thường xuyên, cắt cử cán bộ và thường xuyên đi thăm nom vườn cây.
Về phát triển cây mắc ca năm 2025, Huyện khẳng định tiếp tục giành mọi nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ người dân tiếp tục mở rộng diện tích cây Mắc ca từ 2000 – 3000 ha cây mắc ca theo hướng liên kết, cam kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm; Vì vậy, từ cấp huyện đến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đăng ký trồng mới cây mắc ca năm 2025; rà soát lại các điều kiện cần thiết về đối tượng, diện tích, nguồn nhân lực, đảm bảo không trùng lặp, không cấp sai đối tượng; chuẩn bị tốt nhất các khâu như đào hố, trộn phân đảm bảo kĩ thuật để xuống giống năm 2025.
Thời gian tới cần xây dựng mô hình vườn mẫu; tổ chức các hội thi về chăm sóc cây mắc ca; xây dựng các cái tin bài tuyên truyền về những tấm gương điển hình trong phong trào trồng và chăm sóc cây mắc ca, Thông qua các hoạt động, phong trào để nhân rộng mô hình hay, điển hình để người dân học hỏi và áp dụng phù hợp thực tế địa phương, gia đình mình./.
T/h: Lường Phượng
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo