Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Thứ năm - 08/09/2022 15:00
Sáng ngày 8/9, Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
TT20
 

Dự và chủ trì tại điểm cầu huyện Tuần Giáo có đồng chí Lò Văn Cương - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Giàng A Dế - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; đồng chí Lê Xuân Cảnh - Phó Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo. Cùng dự có các đồng chí Thường trực Huyện ủy; UVBTV Huyện ủy; các đồng chí thành viên BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 .

Thông tin tại hội nghị cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát; nhưng diễn biến dịch vẫn rất phức tạp trên thế giới và trong nước với nhiều biến thể. Vì thế Điện Biên không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần thận trọng, giữ vững tình hình, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ trên hết.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thông tin: Tại tỉnh Điện Biên, trong 3 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Từ tháng 4 – 7, số ca mắc giảm dần. Tuy nhiên đến tháng 8, số ca mắc có xu hướng tăng trở lại. Điện Biên tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai hiệu quả công tác thu dung, điều trị; đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch... Trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tính đến ngày 7/9, tỉnh đã triển khai tiêm được 1.453.359 liều, tỷ lệ sử dụng 96,7% số vắc xin đã tiếp nhận.

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đã được thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra. Đó là một số địa phương chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, theo sát việc tiêm chủng; vẫn còn một bộ phận người dân chưa tự giác, thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch; việc rà soát đối tượng tiêm tại một số huyện thực hiện chưa sát với số đối tượng tiêm; một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ và chấp hành việc tiêm vắc xin; công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là cho trẻ em từ 5-11 tuổi và mũi nhắc lại cho trẻ 12-17 tuổi ở nhiều địa phương chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra...

Các đại biểu và các điểm cầu tham gia nhiều ý kiến làm rõ một số nội dung, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, như: xác thực thông tin, “làm sạch” đối tượng sai thông tin, dữ liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19; tập trung quyết liệt chỉ đạo công tác tiêm chủng, không để phải điều chuyển vắc xin từ địa phương này sang địa phương khác; gắn trách nhiệm, nhận xét cán bộ, đảng viên với việc phòng, chống và tiêm vắc xin phòng Covid-19; thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19...

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng đề nghị cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh phải xem công tác phòng, chống dịch vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; duy trì công tác thông tin tuyên truyền tới người dân bằng nhiều hình thức, nội dung, phương pháp...

Đặc biệt, triển khai quyết liệt các giải pháp tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn, đảm bảo ≥ 95% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi, tỷ lệ ≥90% tập trung tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng.

Ngành Y tế và các địa phương tập trung tiêm hết vắc xin đã được cấp, không để vắc xin quá hạn phải trả lại trung ương. Cùng với đó rà soát, xác định nhu cầu và nguồn lực của địa phương để bảo đảm đủ trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh và có phương án sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nhưng phải đảm bảo quy trình, thủ tục, quy định về mua sắm; thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng./.

 

T/h: Lường Phượng
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây