Chiều ngày 29/8, Ban chỉ đạo xây dựng Bản du lịch cộng đồng bản Lồng- xã Toả Tình phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn và kinh tế hợp tác tổ chức cuộc họp lấy ý kiến thống nhất “Thiết kế cảnh quan kiến trúc và môi trường không gian điểm du lịch cộng đồng bản Lồng, xã Toả Tình”. Dự cuộc họp có đồng chí Bùi Thị Thu Hà- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Thương mại tỉnh Điện Biên; Đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn và Kinh tế hợp tác; Đại diện Công ty Tư vấn Gree Save. Về phía huyện Tuần Giáo, đồng chí Mùa Va Hồ- UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện; Đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng HĐND-UBND huyện; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Phòng Kinh tế -Hạ tầng; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài chính-Kế hoạch; Ban QLDA các công trình huyện; Hạt kiểm lâm; Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Tỏa Tình; Bí thư, Trưởng bản và nhân dân bản Lồng, xã Tỏa Tình.
Buổi làm việc nhằm thống nhất “Thiết kế cảnh quan kiến trúc và môi trường không gian điểm du lịch cộng đồng bản Lồng, xã Toả Tình” để làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo nhằm xây dựng thành công Bản du lịch cộng đồng bản Lồng- xã Toả Tình.
Theo thiết kế, khu du lịch cộng đồng bản Lồng sẽ chia thành 5 khu vực gồm: Khu vực ruộng nuôi ốc; Khu vực lưu trú homstay; Khu vực check in đồi hoa và cây ăn quả; Khu vực nhà văn hóa; Khu vực nhà dân nhà cộng đồng.
Xây dựng khu du lịch cộng đồng bản Lồng, xã Tỏa Tình du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, được cung cấp chỗ ở và được tạo điều kiện tham gia các hoạt động, sinh hoạt đời thường cùng người dân. Đây là cơ hội để du khách khám phá, tìm hiểu về văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương. Nguồn thu từ du lịch cộng đồng vừa giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững vừa được sử dụng để bảo tồn tài nguyên, giá trị di sản của địa phương. Du lịch cộng động giúp góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, môi trường, bảo tồn hệ sinh thái. Loại hình du lịch này còn giúp cộng đồng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao ý thức chống các trào lưu du nhập không phù hợp.
Du lịch cộng đồng là giải pháp tốt nhất để giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc và thiên nhiên. Vì hình thức du lịch này vận hành dựa trên văn hóa địa phương, sử dụng dịch vụ tại chỗ. Từ đó góp phần thúc đẩy nghề nghiệp truyền thống phát triển, củng cố vai trò trong công tác giữ gìn bản sắc văn hóa.
Mô hình du lịch cộng đồng giúp đóng góp to lớn trong việc tạo thu nhập, việc làm cho người dân địa phương. Loại hình du lịch này còn đảm bảo tính cân bằng, bền vững về phát triển kinh tế của địa phương. Điều này đặc biệt ý nghĩa đối với các địa phương vùng sâu vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.
Qua những trải nghiệm thực tế cùng nhau, du khách và người dân bản địa sẽ có sự gắn kết nhiều hơn. Du khách sẽ cảm thấy gần gũi, thấu hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa địa phương. Người dân cũng sẽ cảm thấy tự hào và thoải mái chia sẻ về những khía cạnh trong cuộc sống của bản làng, nghề nghiệp./.
T/h: Ngọc Bích
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo