Sáng ngày 18/10, UBND huyện Tuần Giáo tổ chức cuộc họp trực tuyến, nhằm quán triệt, tuyên truyền nhân dân tích cực chăm sóc, tưới nước cho cây mắc ca vào mùa khô hanh. Đồng chí Lò Văn Cương - TUV, Bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện dự và chỉ đạo cuộc họp. Chủ trì cuộc họp tại điểm cầu huyện có đồng chí Lê Xuân Cảnh - PBT, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Phạm Thị Tuyên - Phó chủ tịch UBND huyện; tham dự cuộc họp có các đồng chí lãnh đạo đại diện các cơ quan chuyên môn của huyện; các đồng chí chủ tịch UBND của 18 xã.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 18 xã gồm đồng chí Bí thư Đảng ủy; lãnh đạo các đoàn thể, cán bộ, công chức các xã; các đồng chí Bí thư, Trưởng các bản, Trưởng Ban công tác mặt trận các bản; Tổ trưởng, tổ phó các Tổ hợp tác tại các xã; đại diện một số gia đình tham gia trồng mắc ca tại các xã.
Cây mắc ca trên địa bàn huyện đã trồng được gần 3 tháng, hiện nay tại những vườn cây của các hộ dân, cây mắc ca đang trong giai đoạn bật chồi. Đa số các hộ dân đã thực hiện làm cỏ, xới xáo, tủ gốc giữ ẩm cho đất. số cây được chống, bấm ngọn đúng kỹ thuật đạt 88,4%, diện tích được rào đạt 54,8%. Diện tích đảm bảo được nước tưới chỉ đạt 46,4%, do 1 số xã bị thiếu nguồn nước như Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông.
Tại các vườn cây mắc ca sinh trưởng và phát triển, thì bà con lại có tâm lý chủ quan, khi cây đã bật chồi rồi người dân không quan tâm thăm nom, chăm sóc, khiến cây bị mối.
Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản này nên giữ ẩm cho cây, để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, phát triển nhanh thân cành lá. Vì vậy trong giai đoạn này, bà con cần tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho cây, giúp cây nhanh phục hồi và ra lá mới.
Tại những vườn cây ở một số xã do trồng không đúng kĩ thuật đã gây tác động đến cây, làm cho cây suy kiệt, mất khả năng phục hồi của cây (cây chết do xót phân, trộn phân không đều trong hố. Tuy đã cứu cây kịp thời, cây mắc ca đã có tiến triển tốt, có khả năng bật chồi trở lại cao nếu người dân tưới nước thường xuyên. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hộ đã quan tâm chăm sóc tốt diện tích đã trồng, thì nhiều hộ vẫn chưa quan tâm đến diện tích cây mắc ca đã trồng, nhiều hộ sau trồng, không đi kiểm tra cây, việc tủ cỏ gốc cây chưa đúng kỹ thuật; Nhiều hộ chưa quan tâm tưới nước thường xuyên, dẫn đến tình trạng cây bị vàng lá, nếu không chăm sóc và tưới nước thường xuyên thì nguy cơ cây bị chết vẫn cao.. Có hộ việc rào bảo vệ vườn cây chưa được quan tâm thực hiện, vẫn còn để tình trạng thả trâu bò rông trong vườn cây. Cá biệt, có những vườn cây mắc ca của chính đồng chí lãnh đạo xã tỉ lệ chết đến gần 50%.
Các diện tích trồng sai kỹ thuật, các diện tích có cây bị vàng lá đã được người dân tiến hành sửa lại hố trồng, trộn đảo phân theo hướng dẫn kỹ thuật, tưới nước sau khi sửa hỗ. Tính đến ngày 13/10/2023 số cây đã khắc phục chiếm 88,8% tổng số cây cân khắc phục. Một số diện tích của một số xã vẫn đang trong quá trình khắc phục như: Nà Sáy, Pú Nhung, Quài Tở, Mường Mùn, Chiềng Đông, Phình Sáng, Tỏa Tình.... Hiện tại các cây sau khi được khắc phục đã không còn hiện tượng bị vàng lá, bắt đầu sinh trưởng, phát triển. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Cảnh - PBT, Chủ tịch UBND huyện đề nghị người dân cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể.
Đây là thời kỳ kiến thiết cơ bản, nên người dân cần phải giữ ẩm cho cây để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Vì vậy, từ nay đến hết tháng 3/2024 người dân cần tưới nước thường xuyên tưới nước ít nhất 1 tuần 1 lần, mỗi lần tối thiểu là 5 lit nước/gốc và tủ gốc giữ ẩm cho gốc cây, giúp cây nhanh phục hồi và ra lá mới, phát triển nhanh thân cành lá. Xuống giống và cứu được cây, cần phải song song với quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày mới góp phần giữ được thành quả và công sức của chính người dân đã bỏ ra trong thời gian vừa qua./.
T/h: Lường Phượng
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo