Sáng ngày 3/3, UBND huyện Tuần Giáo tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý cho dự thảo báo cáo “Hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Tuần Giáo”.
Dự cuộc họp có đồng chí Giàng A Dình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên; đồng chí Phan Thúy Hiền – Phó viện trưởng viện dược liệu Bộ Y tế; các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Sở Y tế.
Về phía huyện Tuần Giáo có đồng chí Lê Xuân Cảnh – PBT, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Trần Bình Trọng – UVTV, PCT HĐND huyện; lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các Phòng ban chuyên môn của huyện; chủ tịch UBND, cán bộ địa chính một số xã có tiềm năng phát triển dược liệu trên địa bàn huyện.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia dự họp đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo phương án phát triển dược liệu quý tại huyện Tuần Giáo.
Theo báo cáo, huyện Tuần Giáo có gần 500ha đất rừng có trồng cây dược liệu tại một số xã như: Tỏa Tình, Tênh Phông, Ta Ma, Phình Sáng... bao gồm thảo quả, sa nhân, sơn tra, ý dĩ, hoa hồi phân bố chủ yếu trên địa bàn xã Tênh Phông. Bên cạnh đó, hiện nay đã có một số hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và một số cây dược liệu có giá trị, cụ thể: Sâm 1 tuổi khoảng 50.000 cây (đa phần là sâm Ngọc Linh), từ 2 - 4 tuổi là 10.550 cây (gồm 5.550 cây sâm Ngọc Linh, 5.000 cây sâm Lai Châu); 12.500 cây tam thất, 5.500 cây thất diệp nhất chi hoa, 100 cây hoàng tinh hoa trắng và 200 m2 trồng lan kim tuyến.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2020 2030 với mục tiêu: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước.
Hiện nay, các sở, ngành tỉnh và huyện Tuần Giáo đang phối hợp triển khai thực hiện phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuần Giáo theo Quyết định số 1772 ngày 26 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh với quy mô, diện tích vùng phát triển dược liệu khoảng 3.980 ha ở vùng có độ cao từ 1.000 m trở lên so với mực nước biển. Trong đó, diện tích có rừng trên 1.740 ha, chưa có rừng gần 1.490 ha thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp và 750 ha đất khác... mở ra cơ hội phát triển kinh tế dưới tán rừng, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.
Theo đó, trên địa bàn huyện Tuần Giáo các xã như: Tênh phông, Tỏa tình, Phình sáng, Nà Tòng, Rạng Đông, Mùn Chung, Quài Nưa, Ta Ma, Chiềng sinh, Pú Nhung là các xã có tiềm năng để phát triển trồng dược liệu. Tuy nhiên, để cây dược liệu quý phát triển, mở ra cơ hội phát triển kinh tế dưới tán rừng, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân tại huyện Tuần Giáo, các đại biểu tham dự cuộc họp đã thảo luận, góp ý về các nội dung như: Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thực trạng sản xuất, tiêu thụ dược liệu tại huyện; khảo sát, đánh giá, lựa chọn địa điểm dự kiến xây dựng vùng trồng dược liệu quý tại huyện; đánh giá chất lượng đất, nước tại các địa điểm dự kiến xây dựng vùng trồng dược liệu; lựa chọn cây dược liệu tiềm năng phù hợp địa điểm dự kiến triển khai trồng dược liệu; khảo sát, đánh giá, lựa chọn địa điểm dự kiến xây dựng và khu vực sơ chế, chế biến dược liệu; khảo sát, đo đạc địa hình, địa điểm dự kiến xây dựng mô hình sơ chế, chế biến. Theo đánh giá của các đại biểu các xã Tênh Phông, Pú Xi là 2 xã có tiềm năng nhất để phát triển cây dược liệu, đặc biệt Tênh Phông là một xã điển hình của huyện trong việc phát triển cây dược liệu, có khí hậu quanh năm mát mẻ vì vậy trong thời gian tới huyện sẽ phối hợp viện dược liệu đi khảo sát, đánh giá về chất lượng đất, nước tại 2 xã này để lựa chọn cây dược liệu phù hợp triển khai trồng.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Cảnh – PBT, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo đề nghị Viện dược liệu Bộ y tế hỗ trợ huyện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án để phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án./.
T/h: Lường Phượng
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo