Người dân xã Ta Ma tích cực chăm sóc cây mắc ca – Kỳ vọng tương lai thoát nghèo bền vững

Thứ năm - 17/04/2025 14:52
Tranh thủ những trận mưa đầu mùa, Những ngày này trên những triền đồi của xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, người dân lại hối hả bước vào mùa chăm sóc cây mắc ca. Những vườn cây xanh mướt trải dài như minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.
ANH SÙNG A TÙNG BẢN PHÌNH CỨ TA MA CHĂM SÓC VƯỜN MẮC CA CỦA GIA ĐÌNH
ANH SÙNG A TÙNG BẢN PHÌNH CỨ TA MA CHĂM SÓC VƯỜN MẮC CA CỦA GIA ĐÌNH
Xác định cây mắc ca là loại cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, cấp ủy, chính quyền xã Ta Ma đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, xã cũng hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng diện tích và đầu tư phân bón, hệ thống tưới tiêu.
Ngoài giá trị kinh tế, cây mắc ca còn góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái. Nhiều hộ dân tại Ta Ma đã tập trung cách tác những nương bỏ hoang hay chuyển dần từ các loại cây trồng hiệu quả thấp sang mắc ca, vừa nâng cao thu nhập, vừa bảo vệ tài nguyên đất rừng.
Theo thống kê, hiện xã Ta Ma có 184ha  diện tích cây mắc ca đã trồng với 49.839 cây, 524 hộ tham gia trồng. Hiện cây đang sinh trưởng, phát triển  tốt. Năm 2025, có 241 hộ tiếp tục đăng ký trồng với diện tích  63ha.
Những ngày đầu vụ trồng, trên khắp các bản làng của xã Ta Ma, người dân đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để đào hố, trộn phân xong. Từng hố trồng được đào đúng kỹ thuật, có độ sâu và khoảng cách phù hợp, sau đó được bón lót bằng phân chuồng hoai mục kết hợp với phân vi sinh để tăng độ tơi xốp và dưỡng chất cho đất. Không khí lao động rộn ràng, tiếng cuốc xẻng xen lẫn tiếng cười nói của bà con tạo nên một khung cảnh đầy hy vọng vào một mùa trồng mới bội thu.  Bà con ai nấy đều háo hức, bởi họ tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất thể hiện sự quyết tâm và kỳ vọng lớn của người dân vào loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao này.
Đối với gia đình anh Sùng A Tùng ở bản Phình Cứ, xã Ta Ma, thời điểm này gia đình anh không chỉ chủ động đào hố trộn phân để chuẩn bị cho vụ trồng mắc ca năm 2025, gia đình anh còn tích cực chăm sóc vườn mắc ca được trồng năm 2023, 2024, gia đình anh luôn tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, một tuần một lần anh chủ động lên thăm vườn; theo dõi, phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cho cây mắc ca.  Một số cây mắc ca được anh trồng năm 2023 đã cho ra hoa bói điều này cho thấy, chất lượng giống đầu dòng tốt, cây mắc ca rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Ta Ma.
Trên những diện tích trồng mắc ca tại xã Ta Ma, một số vườn cây đã bắt đầu ra hoa bói đầu tiên, những chùm hoa trắng ngà lấp ló giữa tán lá xanh non như báo hiệu một mùa sinh trưởng đầy hứa hẹn. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy cây mắc ca bước đầu thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất này. Sự phát triển thuận lợi của những cây trồng đầu tiên đã tiếp thêm niềm tin và động lực cho bà con nông dân. Nhìn thấy kết quả từ công sức bỏ ra, nhiều hộ dân càng thêm quyết tâm chăm sóc vườn cây bài bản, đúng kỹ thuật, với kỳ vọng mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực giúp họ vươn lên phát triển kinh tế bền vững.
Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cùng sự chủ động, cần cù của người dân, cây mắc ca đang từng bước “bén rễ” vững chắc trên đất Ta Ma. Từ những gốc mắc ca hôm nay, người dân xã Ta Ma đang ươm mầm cho một tương lai mới – nơi rừng đồi không chỉ xanh mát bóng cây mà còn trĩu quả ngọt, góp phần viết nên câu chuyện thoát nghèo bằng chính bàn tay cần cù, chịu khó của mình. Từ một loại cây trồng mới mẻ, mắc ca đang mở ra cơ hội làm giàu bền vững, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
T/h: Lường Phượng
Trung tâm VH-TT-TH huyện Tuần Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây