Chiều ngày 9/5, UBND huyện Tuần Giáo tổ chức họp trực tuyến để đánh giá việc đẩy nhanh tiến độ triển khai trồng cây mắc ca thuộc các chương trình MTQG năm 2023 trên địa bàn huyện. Đồng chí Lê Xuân Cảnh - PBT, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp tại điểm cầu huyện; tham gia cuộc họp có đồng chí Mùa Va Hồ - PCT UBND huyện; đồng chí Phạm Thị Tuyên - PCT UBND huyện; đại diện lãnh đạo Ban CHQS huyện; Hội nông dân; Hội phụ nữ; Đoàn thanh niên; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Cuộc họp được kết nối đến điểm cầu của các xã, thị trấn.
Tại cuộc họp các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai tiến độ trồng cây mắc ca tại địa bàn các xã, thị trấn.
Theo đó, để triển khai thực hiện nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; ngày 7/4/2023, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 436/UBND-NN về việc triển khai đăng ký trồng Mắc ca và các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất khác; trong đó đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai cho người dân đăng ký trồng Mắc ca, thành lập các tổ hợp tác và các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất khác. Do diện tích người dân đăng ký trồng cây đậu tương, lạc ít, không đủ diện tích để tạo thành vùng nguyên liệu hàng hoá bền vững, không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Do đó, UBND huyện chủ trương chuyển đổi các diện tích người dân đã đăng ký trồng Lạc, Đậu tương, Ngô ngọt sang trồng Gừng. UBND các xã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức họp dân, đăng ký trồng cây Gừng xen cây Mắc ca. Do cây Gừng là cây thông dụng, dễ trồng, chăm sóc, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao và có đầu ra cho sản phẩm ổn định, bền vững theo liên kết với Doanh nghiệp (có Doanh nghiệp cam kết bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm): Năng suất bình quân khoảng 15-20 tấn, với giá thu mua thấp nhất của Doanh nghiệp đưa ra là 7 triệu đồng/tấn; thời gian cho thu hoạch khoảng 8 tháng. Các nội dung hỗ trợ khi trồng Gừng: Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, vật tư thiết yếu cho các hộ gia đình thuộc các đối tượng được lựa chọn tham gia dự án liên kết trồng cây Mắc ca.
Toàn bộ diện tích người dân đã đăng ký trồng mắc ca sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón để trồng và phát triển Mắc ca theo hình thức liên kết. UBND các xã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật (cán bộ khuyến nông, trưởng bản,…) và các đoàn thể xã, bản triển khai tổ chức cho người dân trong việc đào hố, chuẩn bị đất trồng cây Mắc ca.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Cảnh - PBT, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: các xã, thị trấn cần tiếp tục triển khai thành lập các tổ hợp tác; ưu tiên người dân đăng ký trồng xen giữa mắc ca và gừng, huyện sẽ đầu tư kinh phí hỗ trợ người dân trồng gừng. Đề nghị các xã tiếp tục tuyên truyền để người dân đăng ký tham gia trồng gừng. Đây cũng là loại cây sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Để cây mắc ca phát triển bền vững, và để cây mắc ca trở thành cây thoát nghèo, Các xã cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vùng lõi trên địa bàn, để tạo ra liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Giao cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; Phòng VHTT; Trung tâm văn hoá truyền hình thực hiện các nhiệm vụ truyên truyền cụ thể để người dân nắm bắt được chủ trương về phát triển và trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện; các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể để người dân triển khai đào hố trồng các loại cây; tuyên truyền người dân nuôi nhốt trâu bò tích trữ phân để bón cho cây trồng./.
T/h: Lường Phượng
Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Tuần Giáo