Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 7-1947, được Trung ương Đảng cử làm Chính trị Ủy viên Khu 10, đồng chí Song Hào đã cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Khu tiến hành nhiều mặt công tác: Vừa xây dựng Khu bộ, vừa tiếp tục chấn chỉnh các trung đoàn, vừa lo “quét nốt những tàn dư của thổ phỉ ở Hà Giang, vừa phải lo đối phó với… giặc Pháp từ Lai Châu đã lấn chiếm Sơn La, nhảy dù xuống Mộc Châu và đã tiến ra gần tới Nghĩa Lộ…”. Với kinh nghiệm hoạt động và khả năng công tác của mình, đồng chí Song Hào đã cùng với các đồng chí trong Bộ chỉ huy Khu 10 nhanh chóng giải quyết các vấn đề chính trị và quân sự, nhằm xây dựng Khu ngày càng vững mạnh.
Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 23 đến 25-7-1947, Khu ủy Khu 10 tổ chức Hội nghị Chính trị viên toàn Khu để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động công tác lãnh đạo của Đảng và hoạt động công tác chính trị; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ chính cần tập trung thực hiện, trong đó nhấn mạnh: “Dù trong trường hợp nào cũng phải nắm cho vững bộ đội, củng cố và mở rộng cơ sở Đảng, thi hành cho được nhiệm vụ quân sự”. Đây là lần đầu tiên Khu ủy tổ chức Hội nghị Chính trị viên toàn Khu, đề cập toàn diện đến các mặt công tác, đồng thời làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cán bộ chính trị, phổ biến, trao đổi kinh nghiệm tiến hành công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Dưới sự chủ trì của đồng chí Song Hào, các cán bộ tham gia hội nghị đều thống nhất tư tưởng chỉ đạo “hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, không ngừng trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược, nêu cao tinh thần dũng cảm hy sinh trong chiến đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao”.
Khi thực dân Pháp chuẩn bị mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 4-10-1947, Khu ủy Khu 10 họp, đề ra một số biện pháp quan trọng; trong đó, nhấn mạnh phải “động viên toàn thể nhân dân Khu 10 đoàn kết, tích cực tham gia kháng chiến, thực hiện vườn không, nhà trống, phá cầu đường cản địch, phục vụ tiền tuyến, giúp đỡ bộ đội, lập làng chiến đấu, quyết phá tan âm mưu Thu - Đông của địch…”. Về quân sự nắm vững tư tưởng “lấy du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ… tiêu diệt sinh lực địch, cướp súng địch, thành lập các đội đánh tàu trên sông…”. Về tư tưởng, “chống tư tưởng chủ quan cho rằng địch không dám đánh thọc sâu lên Khu 10, mặt khác đề phòng tư tưởng bi quan, dao động khi kẻ địch ào ạt tiến công. Quyết chiến, quyết thắng, vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu bền bỉ, tích cực tiêu diệt địch bằng mọi phương tiện…”. Quán triệt tinh thần Hội nghị, đồng chí Song Hào đã cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Khu 10 lãnh đạo, chỉ đạo quân dân Khu 10 làm nên Chiến thắng Sông Lô, góp phần đánh bại cuộc tấn công của quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.
Như vậy, trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đặc biệt là trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, trên cương vị được giao phó, đồng chí Song Hào đã cùng Bộ Chỉ huy Khu 10 lãnh đạo, chỉ đạo quân dân tích cực xây dựng lực lượng cả về mặt quân sự và chính trị, chủ động đánh địch khi chúng tiến công vào địa bàn, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến. Qua đó, năng lực lãnh đạo, chỉ huy về chính trị, quân sự của đồng chí Song Hào được khẳng định, là cơ sở để Trung ương Đảng đề bạt, bổ nhiệm đồng chí lên chức vụ cao hơn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, ngày 25-1-1948, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 120/SL, sáp nhập Khu 10 và Khu 14 thành Liên khu 10; Sắc lệnh số 122/SL cử đồng chí Song Hào giữ chức Chính trị Ủy viên Liên khu 10. Từ đây, phát huy kinh nghiệm hoạt động trong những năm trước đó, đồng chí Song Hào tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cả về chính trị và quân sự đối với Liên khu. Đồng chí đã cùng với Bộ tư lệnh Liên khu nhanh chóng xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền. Đến giữa năm 1948, Liên khu 10 tổ chức được 4 đội vũ trang tuyên truyền, gồm: Đội xung phong Quyết Thắng, Đội xung phong Quyết Tiến, Đội xung phong Trung Dũng và Đội xung phong Tây Bắc. Cùng với đó, các trung đoàn của Liên khu được phân tán hai phần ba lực lượng để tổ chức thành các “đại đội độc lập”, “tiểu đoàn tập trung”. Đặc biệt trong hoạt động quân sự, đồng chí Song Hào cùng Liên khu ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo LLVT đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, mở rộng địa bàn hoạt động cho các đội vũ trang tuyên truyền và bộ đội chủ lực, tạo bàn đạp tiến sang Thượng Lào giúp Bạn tiêu diệt địch.
Cũng trong thời gian này, đồng chí Song Hào đã cùng với Bộ tư lệnh Liên khu 10 chú trọng công tác xây dựng Đảng, tích cực kết nạp đảng viên; đẩy mạnh hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT Liên khu, đặc biệt là trong các “đại đội độc lập”, “tiểu đoàn tập trung”; chỉ đạo xây dựng “Chi bộ tự động công tác” trong các “đại đội độc lập” và trong các đơn vị của LLVT Liên khu.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 4-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 127/SL hợp nhất Liên khu 10 với Liên khu 1 thành Liên khu Việt Bắc; đồng thời, quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc (trực thuộc Liên khu Việt Bắc) do đồng chí Bằng Giang làm Tư lệnh, đồng chí Song Hào làm Chính ủy Mặt trận. Trên cương vị mới, đồng chí Song Hào ngày càng thể hiện rõ năng lực tổ chức, chỉ huy đối với các đơn vị thuộc quyền, góp phần làm nên những chiến thắng quan trọng của Mặt trận Tây Bắc.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 6-1-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong 1. Bộ chỉ huy Chiến dịch do đồng chí Bằng Giang làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Song Hào làm Chính ủy, đồng chí Cao Văn Khánh làm Chỉ huy phó. Trong quá trình diễn ra chiến dịch, trên hướng thứ yếu, cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Từ ngày 7 đến 24-2-1950, quân ta tổ chức 4 lần tấn công, nhưng không tiêu diệt được cứ điểm nào của địch. Trước tình hình đó, đồng chí Song Hào đã xác định rõ, dù ác liệt, hy sinh cũng quyết tâm tiêu diệt đồn địch; đồng thời, chỉ đạo cơ quan cử cán bộ xuống đơn vị nắm tình hình, tìm nguyên nhân và tiếp tục xây dựng, củng cố tinh thần quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Sau 16 ngày bị bao vây và thường xuyên bị tấn công, chặn đường tiếp tế, bị cô lập hoàn toàn, ngày 10-3-1950, quân địch buộc phải rút khỏi đồn Nghĩa Đô về Bắc Hà. Đây là chiến thắng quan trọng trong Chiến dịch Lê Hồng Phong 1, gắn liền với dấu ấn chỉ huy của đồng chí Song Hào.
Cùng với sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tây Bắc, trong giai đoạn này, đồng chí Song Hào đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Lào, góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong những năm đấu tranh gian khổ. Ở mặt trận Thượng Lào, sau khi cử đồng chí Lý Thế Sơn sang nắm tình hình công tác giúp bạn, tháng 4-1950, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất các lực lượng giúp bạn ở Bắc Lào; đồng thời, thành lập Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào, đồng chí Song Hào được cử làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Thượng Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã nỗ lực chiến đấu và công tác, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng Lào.
Sau một thời gian công tác, với những đóng góp xuất sắc cả về chính trị và quân sự, năm 1951, đồng chí Song Hào được cử làm Chính ủy Đại đoàn 308 - Quân Tiên Phong, Bí thư Đại đoàn ủy. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng với Bộ chỉ huy Đại đoàn tập trung xây dựng Đại đoàn và Đảng bộ Đại đoàn vững mạnh. Đặc biệt, trình độ tác chiến và ý thức tổ chức kỷ luật của bộ đội được duy trì chặt chẽ, là cơ sở để Đại đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Bộ Tổng tư lệnh giao phó. Qua mấy mùa chiến dịch, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính ủy Song Hào cùng với Bộ chỉ huy Đại đoàn 308 đã có sự chỉ đạo quyết đoán, đúng đắn, sáng tạo, kịp thời động viên bộ đội vượt qua những khó khăn, thử thách, hy sinh, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, cùng các đơn vị bạn trên toàn mặt trận chiến đấu tiêu diệt địch, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954).
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng bằng tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đồng chí Song Hào đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí đã thể hiện tài thao lược về chính trị và quân sự, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành sự nghiệp kháng chiến trường kỳ; đồng thời, để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ nhanh chóng hất cẳng thực dân Pháp, xâm lược Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cả về mặt chính trị và quân sự đối với quân đội, ngày 14-5-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 232/SL, bổ nhiệm đồng chí Song Hào giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng. Đến năm 1961, đồng chí được phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương; được Hội đồng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động nhận công tác khác, ngày 3-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 09/SL, bổ nhiệm đồng chí Song Hào giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Với trọng trách người đứng đầu cơ quan chính trị của quân đội, đồng chí đã dồn tâm sức của mình trong nhiệm vụ xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị. Trong một thời gian ngắn, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng chí đã ban hành nhiều chỉ thị quan trọng đối với toàn quân. Nổi bật là, ngày 11-1-1962, ban hành chỉ thị về “Cuộc vận động xây dựng Quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại”; Chỉ thị số 19/CT-H ngày 6-10-1962 về “Tiếp tục cuộc vận động xây dựng quân đội và phong trào thi đua “ba nhất”… Những chỉ thị quan trọng đó đã góp phần xây dựng và củng cố sức mạnh của quân đội, xây dựng ý chí và quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao khi kẻ thù đẩy mạnh chiến tranh xâm lược.
Bước vào năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Về phía Mỹ, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam đã từng bước tiến hành những hoạt động phá hoại đối với miền Bắc. Trước tình hình đó, tháng 6-1964, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các LLVT, trong đó nhấn mạnh phải tăng cường SSCĐ, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, đồng chí Song Hào đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác tư tưởng, đặc biệt là tổ chức SSCĐ, nêu cao cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trước âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù đối với miền Bắc. Đến tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp, quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định; trong đó, chỉ rõ: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực to lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, ngày 2-1-1968, Bộ Chính trị quyết định thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam vào giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Đồng chí Song Hào đã nhanh chóng chỉ thị cho các cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu lập công. Đặc biệt, trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công, đồng chí Song Hào đã gửi Điện số 935/D (ngày 12-5-1968) trao đổi với các đồng chí trong Bộ tư lệnh, Quân ủy Miền về việc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sẽ khôi phục lực lượng, phản công sau khi ta kết thúc đợt 1, trong đó chỉ rõ: “Dù địch xoay xở gì, ta vẫn luôn luôn chủ động, luôn tạo được thời cơ, tranh thủ được bất ngờ, tích cực tiến công địch để giành thắng lợi”.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở nhiều chiến dịch lớn nhằm tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam và cách mạng 3 nước Đông Dương như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972)... Trong những thời khắc quan trọng này, dù là người đứng đầu Tổng cục Chính trị, nhưng do tính chất quan trọng và ý nghĩa của các chiến dịch đối với toàn bộ cuộc kháng chiến; đồng thời, nhằm phát huy năng lực lãnh đạo, chỉ huy cả về mặt chính trị và quân sự của đồng chí Song Hào, tháng 8-1972, đồng chí được chỉ định làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Trị - Thiên, thay đồng chí Lê Quang Đạo nhận công tác khác. Việc được chỉ định làm Chính ủy Chiến dịch Trị - Thiên thể hiện sự tín nhiệm của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đối với đồng chí Song Hào, và trên thực tế, đồng chí đã phát huy vai trò nổi trội của mình, cùng Đảng ủy và Bộ tư lệnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó. Thắng lợi này cùng với thắng lợi của Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Pa-ri (ngày 27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau thắng lợi đặc biệt quan trọng này, ngày 24-5-1973, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị để nghiên cứu, thảo luận những vấn đề thực tiễn, chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định. Trong hội nghị này, đồng chí Song Hào đã có ý kiến quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương kết luận nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam giai đoạn sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Sau đó, đồng chí tiếp tục tham gia các Hội nghị của Bộ Chính trị và là thành viên tham gia thông qua Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 và phương án thời cơ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Trực tiếp lĩnh hội kế hoạch giải phóng miền Nam tại các hội nghị của Bộ Chính trị, đồng chí Song Hào đã chỉ thị cho cơ quan Tổng cục Chính trị dồn hết trí tuệ, sức lực khẩn trương chỉ đạo các đơn vị triển khai toàn diện hoạt động CTĐ, CTCT, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Thành công lớn nhất của Tổng cục Chính trị trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là chủ động nắm chắc diễn biến tình hình chiến trường khi thời cơ đến và đặc biệt khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất, Tổng cục Chính trị đã kịp thời hoàn chỉnh, ban hành một hệ thống tài liệu rất cơ bản về CTĐ, CTCT và chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Vừa tổ chức trực chỉ huy, trực chiến tại “Tổng hành dinh”, Tổng cục Chính trị vừa tổ chức lực lượng khá hùng hậu trực tiếp bám nắm sát sao mọi diễn biến từng ngày, từng giờ trên chiến trường, để từ đó mạnh dạn đề đạt với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương bổ sung, thay đổi những nội dung cụ thể về CTĐ, CTCT cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới”(1).
Đó là chiến công xuất sắc của Tổng cục Chính trị trong thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn liền với vai trò to lớn của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào (2). Trải qua 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Song Hào đã có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Trong quá trình công tác, đồng chí chủ yếu được giao nhiệm vụ phụ trách lãnh đạo CTĐ, CTCT nhưng ở đồng chí Song Hào, yếu tố chính trị luôn gắn liền với quân sự và đồng chí đã có nhiều đóng góp xuất sắc về mặt quân sự.
Năm tháng đi qua, nhưng những cống hiến xuất sắc về chính trị, quân sự của đồng chí Thượng tướng Song Hào đối với cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành, lớn mạnh của QĐND Việt Nam luôn được đánh giá, ghi nhận; nhất là những kinh nghiệm lãnh đạo cả về chính trị, quân sự thông qua cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Chúng ta cần vận dụng những quan điểm, kinh nghiệm của đồng chí Thượng tướng Song Hào vào nhiệm vụ xây dựng QĐND Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, của nhân dân, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định./.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn