Người dân ở những ngôi làng nhỏ như Nam Miếu có thể nắm bắt kịp thời các diễn biến tại Đại hội đảng lần thứ 19 ở Bắc Kinh nhờ hệ thống "loa phường" đồng loạt bật lên mỗi sáng sớm như vậy.
Làng Nam Miếu nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng hai tiếng đi xe về phía nam. Con đường chính dẫn vào làng cắm đầy cờ đỏ. Những bức tường trắng dọc hai bên đường mới được vẽ thêm các bức tranh tái hiện lịch sử đảng. Một màn hình tivi lớn chiếm gần hết không gian trong sân bóng rổ, nơi tuần trước dân làng cùng tụ họp để nghe bài phát biểu dài ba tiếng rưỡi mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc tại lễ khai mạc Đại hội đảng lần thứ 19. "Giữ vững khát vọng khởi nguồn của chúng ta" là dòng chữ nổi bật viết trên tấm biểu ngữ giăng ngay lối vào làng.
Nhà chức trách địa phương muốn biến Nam Miếu trở thành một mô hình kiểu mẫu cho "cuộc sống mới dưới thời ông Tập". Theo Xinhua, tất cả 5.700 ngôi làng tại khu vực này thuộc tỉnh Hồ Bắc đều được nghe về những chính sách mới thông qua loa phát thanh.
"Chúng tôi dành sự quan tâm rất lớn", một cụ ông 70 tuổi ở làng Nam Miếu nói với phóng viên. "Giờ chúng tôi có thể nói đảng đang dẫn dắt chúng tôi và khiến cuộc sống tốt đẹp hơn". Ông từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ khi thấy một quan chức địa phương đi tới, chỉ tự nhận mình là Zhao.
Vợ ông, cũng từ chối tiết lộ danh tính, cho rằng tất cả mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc. "Đây là một thời đại mới", bà nói, dẫn lại cụm từ nổi bật trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập.
"Loa phường" bắt đầu xuất hiện tại các nhà máy, sân sinh hoạt chung ở Trung Quốc từ đầu những năm 1970 và nhanh chóng trở nên phổ biến. Nhưng cùng sự phát triển của truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, chúng sau đó rơi vào lãng quên.
Tuy nhiên, những năm gần đây, loa phường đã dần được đưa trở lại, từ những ngôi làng miền núi phía nam Trung Quốc cho đến các thị trấn mờ sương ở vùng đông bắc lạnh giá.
"Cho tái hoạt động hệ thống loa phát thanh đồng nghĩa đảng đang muốn tập trung tuyên truyền rộng khắp đường lối tới tất cả người dân", Zhang Lifan, nhà sử học kiêm bình luận viên chính trị ở Bắc Kinh, nhận định.
Theo giới quan sát, hệ thống loa phát thanh có thể đóng vai trò như một công cụ hữu ích giúp ông Tập củng cố và tiếp tục xây dựng vị thế, "đóng dấu" hình ảnh của ông lên mọi mặt cuộc sống người dân, như những gì ông nỗ lực thực hiện suốt 5 năm qua.
Dù mạng xã hội Twitter, Facebook hay YouTube hiện đều bị chặn ở Trung Quốc, các cơ quan phụ trách tuyên truyền nước này vẫn khéo léo sử dụng chúng để quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới. Các video quảng cáo hoành tráng giới thiệu về những thành tựu của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, và chúng, cuối cùng, bằng cách nào đó, đều dẫn tới Chủ tịch Tập.
People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhắc tới tên Chủ tịch Tập 5.000 lần trong 18 tháng đầu ông nhậm chức, theo thống kê của Dự án Truyền thông Trung Quốc thuộc Đại học Hong Kong. Con số trên nhiều gấp gần hai lần so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo Trung Quốc nào khác kể từ thời Mao Trạch Đông.
Tại một ngôi làng khác gần Nam Miếu, người dân ở đây cho rằng việc làm sống lại những chiếc loa phường thực sự có giá trị.
"Chúng khiến tôi nhớ về thời kỳ không có cơm ăn áo mặc", ông Zhao, người làng, cho biết. "Thời đó đã qua. Tôi bây giờ cảm thấy hạnh phúc vì mọi thứ đều tốt đẹp. Tôi hài lòng với đảng".
Theo (Vũ Hoàng) Báo Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn